Lên kế hoạch tiết kiệm
Bên cạnh quỹ dự phòng tài chính cá nhân, bạn cần có một quỹ tiết kiệm để thực hiện các mục tiêu khác. Việc tiết kiệm giúp bạn có thêm một khoản dự phòng khác cho tương lai, cũng như là cơ hội sở hữu những món đồ giá trị hay thậm chí là gia tăng tài sản từ khoản tiết kiệm đó. Hãy cùng tìm hiểu về cách đặt mục tiêu và thực hiện tiết kiệm trong bài viết dưới đây.
Đặt mục tiêu tiết kiệm
Chúng ta đều biết tiết kiệm là điều cần thiết, tiết kiệm giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiết kiệm, có một số nguyên nhân như sau:
- Đề phòng các trường hợp cấp bách trong tương lai: Bình thường có thể bạn không quá quan tâm tới tiền, hài lòng với số thu nhập vừa đủ để lo cuộc sống. Tuy nhiên, khi các trường hợp cấp bách xảy ra, tiền lúc này thực sự vô cùng quan trọng. Một khoản tiết kiệm có thể giúp bạn vượt qua thời gian khó khăn, tránh nợ nần.
- Tiết kiệm tạo cảm giác an toàn và tự tin hơn: Có một khoản tiết kiệm giúp bạn an tâm hơn vì đã chuẩn bị nguồn dự phòng cho rủi ro bất ngờ có thể xảy ra. Bạn cũng tự tin hơn khi đưa ra các lựa chọn công việc, sở thích, trải nghiệm cuộc sống.
- Tiết kiệm để nắm cơ hội trong tương lai: Biết đâu trong tương lai bạn sẽ có một cơ hội đầu tư tài chính tuyệt vời, đừng để cơ hội này vụt mất do vấn đề thiếu hụt tài chính.
- Tiết kiệm để theo đuổi mục tiêu tài chính: Bạn có thể bắt đầu thực hiện các mục tiêu ngắn hạn cho tới dài hạn bằng việc tiết kiệm đều đặn hàng tháng.
Khi đã hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm, bạn hãy xác định mục tiêu tiết kiệm phù hợp với nhu cầu của mình. Mỗi khoản tiết kiệm tương ứng với mục tiêu khác nhau. Bạn cần xác định rõ mục đích sử dụng khoản tiết kiệm để đặt mục tiêu phù hợp.
Ví dụ: Việc mua xe có mục tiêu tiết kiệm khác với mua nhà. Tiết kiệm cho nghỉ hưu sẽ khác so với tiết kiệm cho một chuyến du lịch.
Các cách tiết kiệm hiệu quả
Sau khi xác định được mục tiêu tiết kiệm, bạn cần tìm phương pháp tiết kiệm phù hợp với mục tiêu đó. Khoản tiết kiệm nhỏ có cách thực hiện khác so với khoản tiết kiệm lớn. Bạn có thể tham khảo một số cách tiết kiệm hiệu quả dưới đây.
Dành ra 1 khoản tiền để tiết kiệm ngay khi mới nhận được thu nhập hàng tháng
Với cách này, ngay khi nhận được thu nhập, bạn hãy cất riêng một khoản tiết kiệm. Bạn có thể để số tiền tiết kiệm ở vị trí riêng biệt, kín đáo, chẳng hạn như lợn đất, tủ khóa, két sắt,… hoặc có thể đưa cho người thân bảo quản giúp, gửi tiết kiệm online qua các ứng dụng ngân hàng,… Như vậy, số tiền này sẽ nằm riêng biệt so với ví chi tiêu của bạn, bạn không thể sử dụng nhanh chóng, dễ dàng.
Ví dụ: Ngay khi nhận được lương qua tài khoản ngân hàng, bạn hãy gửi tiết kiệm online ngay. Tài khoản thanh toán của bạn sẽ bị trừ, số tiền này sẽ chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Như vậy, bạn không thể sử dụng số tiền này để chi tiêu qua thẻ nữa.
Tập trung vào các khoản chi tiêu thật sự cần thiết, hạn chế những khoản không quan trọng
Trường hợp không thể sử dụng cách ở trên, bạn hãy chi tiêu như bình thường. Thế nhưng bạn nên chú ý hạn chế chi tiêu cho những khoản không thực sự cần thiết. Những khoản chi này sẽ trở thành quỹ tiết kiệm của bạn.
Ví dụ: Thay vì đi ăn ngoài, bạn hãy nấu cơm ở nhà và mang tới công ty ăn trưa. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền. Hoặc bạn hãy giảm số lần đặt trà sữa bên ngoài, có thể tự mua nguyên liệu nấu tại nhà.
Tìm kiếm các chương trình giảm giá, khuyến mãi
Áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng là cách giúp bạn tiết kiệm tiền khi mua sắm. Đặc biệt khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, ví điện tử, áp tài chính hay thanh toán bằng thẻ tín dụng có rất nhiều ưu đãi giảm giá hấp dẫn.
Sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân để theo dõi các khoản chi phí hàng ngày
Thay vì ghi vào sổ, hiện nay có nhiều ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tiện lợi có thể cài đặt ngay trên chiếc điện thoại của bạn. Về cơ bản, các ứng dụng này đều có chức năng theo dõi các khoản thu, chi của bạn theo tuần, theo tháng. Dựa vào đó, bạn nắm được tình hình tài chính của bản thân để điều chỉnh chi tiêu hợp lý.
Ngoài ra, nhiều ứng dụng có chức năng tự động thống kê các khoản chi tiêu của bạn, lập và gợi ý kế hoạch chi tiêu phù hợp nhất. Bạn không cần hiểu chuyên sâu về quản lý tài chính cũng có thể tự cân đối ngân sách chi tiêu khi sử dụng các ứng dụng này.
Không vay nợ để mua sắm bừa bãi
Một số nhãn hàng thường tung ra các đợt khuyến mãi với thời hạn ngắn hay số lượng có hạn để kích thích mua hàng. Điều này tạo tâm lý vội vã, kích thích hành động mua sắm của bạn. Trong tình huống này, nếu không có đủ tiền nhưng lại tiếc khuyến mãi có hạn, bạn có thể vay nợ để mua món đồ đó ngay lập tức. Điều này khiến bạn nợ nần trong thời gian dài.
Muốn chấm dứt việc này, bạn cần tự rèn luyện thói quen không vay nợ để mua sắm. Đồng thời, bạn nên hạn chế việc mua sắm bừa bãi, chỉ nên mua những gì thực sự cần thiết mà thôi. Từ những hành động tưởng chừng rất nhỏ trên, bạn sẽ thấy ngạc nhiên với số tiền mà mình đã tiết kiệm được.