Xây dựng quỹ dự phòng tài chính cá nhân
Quản lý chi tiêu và dòng tiền tốt sẽ giúp bạn dành ra được một khoản chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu mỗi tháng. Tiếp theo, bạn cần trích một phần số tiền này để xây dựng quỹ dự phòng tài chính cá nhân. Quỹ này giúp bạn chủ động hơn về mặt tài chính, tránh rủi ro tài chính khi có biến cố bất ngờ xảy ra.
Quỹ dự phòng tài chính cá nhân là gì?
Qũy dự phòng tài chính cá nhân là khoản tiền trích lập từ thu nhập nhằm bù đắp cho những sự cố hay rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, chẳng hạn như mất việc, bệnh tật, dịch bệnh… Khoản tiền này giúp bạn giảm tải áp lực trong thời gian khó khăn và duy trì nguồn tài chính ổn định.
Lợi ích của việc có quỹ dự phòng tài chính cá nhân
Quỹ dự phòng tài chính cá nhân vô cùng cần thiết với tất cả chúng ta. Xây dựng quỹ dự phòng tài chính cá nhân sẽ mang lại cho bạn những lợi ích sau:
Giảm bớt sự lo lắng về tài chính
Khi có một khoản dự phòng, bạn sẽ cảm thấy an tâm vì đã chuẩn bị phương án giải quyết cho những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, cuộc sống của bạn sẽ thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Khoản dự phòng cũng giúp bạn tự tin hơn trong công việc, có nhiều sự lựa chọn công việc hơn mà không đơn giản chỉ “đi làm vì tiền”, vì để có đủ tài chính trang trải cho sinh hoạt hàng ngày nữa.
Ví dụ: Bạn đang có một công việc ổn định với mức lương cao, tuy nhiên áp lực công việc và môi trường công sở khiến bạn mệt mỏi, bạn muốn nghỉ việc để bắt đầu kinh doanh hoặc nghỉ ngơi một thời gian để giải tỏa căng thẳng. Nếu không có quỹ dự phòng, bạn vẫn phải tiếp tục làm công việc này để đảm bảo có đủ thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, nếu có tiền dự phòng, bạn có thể tự tin đưa ra quyết định, khoản tiền này sẽ giúp bạn vượt qua thời gian khó khăn ban đầu.
Đảm bảo an toàn trước những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai
Không ai có thể dự đoán chính xác những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, quỹ dự phòng ít nhất sẽ giúp bạn đảm bảo phần nào sự an toàn về tài chính trước những rủi ro này. Qũy này như một khoản bảo hiểm vậy, đây là khoản bù đắp bạn chuẩn bị trước cho những rủi ro có thể xảy ra.
Ví dụ: Dịch bệnh Covid-19 bất ngờ ập đến khiến nền kinh tế khó khăn, nhiều người bị giảm lương, mất việc làm, không có thu nhập trang trải cuộc sống. Lúc này, quỹ dự phòng tài chính sẽ giúp người đó vượt qua thời gian khó khăn trước khi tìm được công việc mới, gia tăng thu nhập.
Giảm khả năng phải vay nợ
Khi sự cố ập đến, trong hoàn cảnh khó khăn khi phải chi trả nhiều khoản chi phí, bạn dễ lâm vào cảnh nợ nần. Lúc này, nếu chuẩn bị trước quỹ dự phòng tài chính cá nhân sẽ giúp bạn chi trả những hóa đơn đó, tránh việc vay nợ.
Ví dụ: Người thân của bạn bất ngờ mắc bệnh và cần số tiền lớn để điều trị, khoản dự phòng có thể sẽ giúp bạn đáp ứng phần nào chi phí điều trị, tránh việc vay nợ quá nhiều, tạo áp lực trả nợ sau này.
Cách xây dựng quỹ dự phòng tài chính cá nhân
Tương tự như thiết lập ngân sách chi tiêu cá nhân, bạn cũng cần phân chia thành nhiều khoản mục nhỏ với từng mục đích cụ thể khi xây dựng quỹ dự phòng tài chính cá nhân. Mỗi người sẽ có thu nhập và nhu cầu chi tiêu khác nhau.
Theo đó, bạn có thể lập các quỹ dự phòng tùy theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên, có 2 loại quỹ quan trọng bạn nhất định phải xây dựng, đó là:
+ Dự phòng chi phí hàng tháng: Quỹ dự phòng tài chính sẽ cần phải chi trả được cho khoản chi tiêu cá nhân trong trường hợp bạn không còn nguồn thu nhập nào. Thông thường, quỹ này sẽ chi trả được chi tiêu cá nhân trong vòng từ 3-6 tháng tùy mỗi người.
Chẳng hạn như bạn tính toán được chi tiêu trung bình 1 tháng của bản thân là 10 triệu đồng. Như vậy, bạn cần xây dựng quỹ dự phòng tài chính khoảng 30-60 triệu đồng nhằm đề phòng trường hợp bạn không còn nguồn thu nhập nào trong tương lai.
+ Dự phòng cho trường hợp bệnh tật: Chi phí sinh hoạt và điều trị trong trường hợp bạn gặp vấn đề về sức khỏe là 2 khoản tiền cần lưu tâm. Bạn nên để ra khoảng 10-15% thu nhập hàng tháng hoặc mua bảo hiểm nhân thọ để giảm thiểu rủi ro khi gặp các vấn đề này.
Trên đây là những thông tin giải thích định nghĩa, lợi ích và lưu ý khi xây dựng quỹ dự phòng tài chính cá nhân. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn xây dựng được quỹ dự phòng tài chính của riêng mình.