Thiết lập ngân sách & quản lý dòng tiền
Sau khi xác định được mục tiêu và nắm rõ tình hình tài chính cá nhân, bạn cần thiết lập một kế hoạch chi tiêu hợp lý để đạt được mục tiêu đã đề ra. Bởi dù thu nhập cao tới đâu nhưng nếu không thu chi phù hợp thì tài chính của bạn cũng sẽ gặp vấn đề. Thiết lập ngân sách và quản lý dòng tiền sẽ giúp bạn chi tiêu hiệu quả hơn, góp phần xây dựng nền tảng tài chính bền vững, ổn định trong dài hạn.
Xác định nhóm chi tiêu
Để thiết lập ngân sách phù hợp cho từng khoản mục chi tiêu, bạn cần xác định rõ ràng các nhóm chi tiêu của mình. Bạn có thể áp dụng một trong hai cách phân chia các nhóm chi tiêu gồm: chi tiêu bắt buộc và chi tiêu không bắt buộc hoặc chi tiêu cố định và chi tiêu không cố định. Cụ thể như sau:
Chi tiêu bắt buộc và chi tiêu không bắt buộc
- Chi tiêu bắt buộc: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền học phí, tiền đi lại (xăng xe, vé xe buýt,…), tiền ăn,…
- Chi tiêu không bắt buộc: tiền đi ăn nhà hàng, tiền mua sắm quần áo, tiền cà phê với bạn bè, tiền mua trà sữa,…
Khi đã xác định rõ ràng 2 nhóm chi tiêu này, bạn có thể thiết lập ngân sách cố định cho khoản chi tiêu bắt buộc, dựa trên thu nhập hiện có. Đồng thời, bạn cũng cân đối được khoản chi tiêu không bắt buộc phù hợp với khả năng tài chính, đảm bảo chất lượng cuộc sống nhưng không lãng phí.
Ví dụ, thu nhập hàng tháng của bạn là 10 triệu, trong đó, các chi tiêu bắt buộc bao gồm tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe hết 4 triệu. Còn lại 6 triệu bạn có thể cân đối cho các khoản chi không bắt buộc khác.
Chi tiêu cố định và chi tiêu không cố định
- Chi tiêu cố định: Tiền nhà, internet, xe buýt,…
- Chi tiêu không cố định: Tiền điện, nước, ăn uống, tiệc tùng, cà phê, du lịch,…
Với cách phân chia này, bạn sẽ lọc ra được những khoản chi tiêu không thể điều chỉnh và những khoản có thể điều chỉnh. Từ đó, lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, phù hợp với nguồn thu hiện có. Bạn có thể thay đổi ngân sách dành cho những khoản không cố định để phù hợp với kế hoạch tài chính cá nhân.
Chẳng hạn như bạn đang cần tiết kiệm tiền để thực hiện chuyến du lịch sắp tới, bạn có thể cắt giảm các khoản chi không bắt buộc, các khoản chi không cố định để tích lũy dần số tiền cần thiết.
Áp dụng các phương pháp quản lý chi tiêu
Có người dù đã xác định rõ các khoản chi tiêu nhưng vẫn chi tiêu không hiệu quả, thừa chỗ này, thiếu chỗ kia. Vậy, sau khi xác định nhóm chi tiêu, làm thế nào để quản lý chi tiêu hiệu quả? Bạn có thể áp dụng một trong hai phương pháp dưới đây.
Phương pháp 50/30/20
Phương pháp này phù hợp với người có thu nhập ổn định, không có hoặc khoản nợ nhỏ. Phần để trả nợ được trừ vào khoản tiết kiệm và đầu tư. Cách thực hiện vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần chia tổng thu nhập của mình thành 3 phần theo tỷ lệ 50/30/20. Cụ thể:
- 50% cho chi tiêu thiết yếu: Là những khoản chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như thuê nhà, điện, nước, ăn uống, xăng xe, phương tiện giao thông công cộng, đồ dùng vệ sinh hàng ngày…
- 30% cho nhu cầu cá nhân: Bao gồm chi tiêu cho mong muốn, sở thích và nhu cầu cá nhân như đọc sách, du lịch, mua sắm, nuôi thú cưng, mua xe, mua điện thoại…
- 20% cho tiết kiệm và đầu tư: Bao gồm quỹ dự phòng, các khoản tiết kiệm, đầu tư sinh lời trong tương lai.
Ví dụ: Nếu bạn có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, áp dụng phương pháp 50/30/20, bạn sẽ có ngân sách chi tiêu như sau:
- 5 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt hàng ngày
- 3 triệu đồng cho nhu cầu cá nhân
- 2 triệu đồng gửi tiết kiệm và đầu tư.
Đầu tư chứng khoán là khoản đầu tư được nhiều người lựa chọn, giúp gia tăng thu nhập, tăng tài khoản tiết kiệm cho tương lai. Nếu bạn quan tâm đến đầu tư chứng khoán nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn hãy tham khảo ngay khóa học về chứng khoán tại VNSC Academy.
Phương pháp 6 chiếc lọ
Phương pháp này phức tạp hơn một chút, bạn cần chia thu nhập thành nhiều mục hơn, bao gồm chi tiêu thiết yếu, tiết kiệm dài hạn, tự do tài chính, hưởng thụ, giáo dục và cho đi. Tỷ lệ phân chia mỗi khoản mục như sau:
- Lọ 1: Chi tiêu thiết yếu (55%), bao gồm các chi phí thuê nhà, điện nước, xăng xe, phương tiện đi lại, ăn uống…
- Lọ 2: Tiết kiệm dài hạn (10%), khoản tiền này phục vụ cho mục tiêu tài chính dài hạn như mua nhà, mua xe, đám cưới, học lên cao…
- Lọ 3: Tự do tài chính (10%), quỹ này được sử dụng cho mục tiêu tự do tài chính trong tương lai. Bạn nên phân chia khoản này vào các quỹ đầu tư dài hạn, tạo thu nhập tự động sau này.
- Lọ 4: Hưởng thụ (10%), khoản này bạn có thể thoải mái sử dụng cho các sở thích, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống như du lịch, bữa ăn tại nhà hàng, mua sắm…
- Lọ 5: Giáo dục (10%), đây là khoản đầu tư giúp bạn học hỏi và tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm như tham gia khóa học, tham dự hội thảo, mua sách, mua tài liệu học tập…
- Lọ 6: Cho đi (5%), dù thu nhập của bạn là bao nhiêu, bạn nên dành ít nhất 5% để giúp đỡ người khác. Bạn có thể sử dụng khoản này để đóng góp vào các quỹ từ thiện, giúp đỡ cộng đồng, cho bạn bè, người thân…
Ví dụ: Nếu thu nhập của bạn là 10 triệu đồng/tháng, áp dụng phương pháp 6 chiếc lọ sẽ có kế hoạch chi tiêu như sau:
- 5,5 triệu đồng cho chi tiêu thiết yếu
- 1 triệu đồng gửi tiết kiệm dài hạn
- 1 triệu đồng cho quỹ tự do tài chính, có thể sử dụng đầu tư dài hạn
- 1 triệu đồng cho việc gặp gỡ, cafe với bạn bè hoặc cho các mục đích giải trí khác
- 1 triệu đồng cho việc học thêm một kỹ năng mới, ví dụ như học tiếng Anh.
- 500 ngàn đồng còn lại làm từ thiện.
Tuy nhiên, tùy vào mức sống của mỗi người sẽ phát sinh nhu cầu chi tiêu khác nhau. Tỷ lệ này không cố định, bạn có thể điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và mức thu nhập của bản thân. Trường hợp nhu cầu chi tiêu của bạn vượt quá tỷ lệ đặt ra, đây là lúc bạn cần tìm cách gia tăng thu nhập hoặc cắt giảm chi tiêu.
Trên đây là hướng dẫn các cách thiết lập ngân sách và quản lý dòng tiền giúp bạn phân bổ chi tiêu hiệu quả hơn, tạo cơ sở thực hiện các mục tiêu tài chính cá nhân. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn giải quyết được những khó khăn về chi tiêu hàng tháng, có cuộc sống thoải mái, giảm bớt lo lắng về tài chính.