Thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân
Áp dụng các kiến thức quản lý tài chính cá nhân là bước đầu giúp bạn chuẩn bị nền tảng tài chính ổn định, chủ động trong mọi việc, phát triển bản thân, mở rộng các mối quan hệ, nắm bắt cơ hội và sớm đạt được mục tiêu tự do tài chính của mình.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phải đặt ra các mục tiêu tài chính cá nhân. Chỉ khi có mục tiêu thì bạn mới nhìn rõ được quá trình và vững bước trên hành trình thực hiện các mục tiêu tài chính đó..
Thiết lập mục tiêu tài chính
Muốn thiết lập mục tiêu tài chính, trước tiên bạn cần hiểu rõ mục tiêu tài chính là gì và phân loại như thế nào.
Mục tiêu tài chính là gì?
Bạn muốn thực hiện một chuyến du lịch trong 2 tháng nữa và cần chuẩn bị 55 triệu đồng; 3 tháng nữa con bạn vào đại học và cần 20 triệu để nộp học phí kỳ đầu tiên; hay bạn muốn chuẩn bị trước một khoản tài chính để trang trải cuộc sống khi về hưu, đây chính là mục tiêu tài chính,… Mục tiêu tài chính của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào giá trị và mong muốn riêng của mỗi người. Thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân là bước quan trọng để hướng tới sự ổn định, an toàn và tự do tài chính.
Mục tiêu tài chính này là sự kết hợp của những kế hoạch nhỏ về thu nhập, chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm. Dựa vào những yếu tố này, bạn xây dựng được một bản kế hoạch tài chính cụ thể cho từng khoảng thời gian và mong muốn nhất định. Đó có thể là kế hoạch ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn.
Ví dụ: Mục tiêu tài chính có thể là trả hết một khoản nợ, thực hiện một chuyến du lịch, chuẩn bị học phí đại học hay chuẩn bị cho việc nghỉ hưu.
Đặt mục tiêu tài chính có thể giúp bạn thiết lập kỷ luật trong việc chi tiêu, khuyến khích và hình thành thói quen tiết kiệm. Ngoài ra, việc này còn giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt khi đầu tư. Từ đó, kiểm soát và quản lý tốt nguồn tài chính trong tương lai.
Phân loại mục tiêu tài chính
Mục tiêu tài chính thường được phân loại theo thời gian, bao gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Nhiều mục tiêu ngắn hạn tạo cơ sở hoàn thành mục tiêu trung hạn, nhiều mục tiêu trung hạn tạo cơ sở hoàn thành mục tiêu dài hạn. Do vậy, mỗi cá nhân cần đặt rõ và nghiêm túc hoàn thành từ những mục tiêu nhỏ nhất đến hướng tới tự do tài chính.
Ngắn hạn (dưới 1 năm)
Mục tiêu tài chính ngắn hạn thường được xây dựng và thực hiện trong thời gian tối đa 1 năm. Số tiền mục tiêu thường nhỏ và có thể dễ dàng thực hiện bằng việc tiết kiệm.
Một số mục tiêu ngắn hạn như trả tiền thuê nhà, trả những khoản nợ nhỏ hay là du lịch hàng năm. Với những mục tiêu này, bạn có thể thực hiện bằng cách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu không cần thiết mỗi tháng.
Trung hạn (1-3 năm)
Mục tiêu trung hạn kéo dài từ 1 – 3 năm, thường được tổng hợp từ nhiều mục tiêu ngắn hạn. Đó có thể là mua điện thoại mới, mua xe, chuẩn bị cho con đi học,… Những mục tiêu này cũng có thể thực hiện bằng gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc đầu tư nhỏ.
Dài hạn (trên 3 năm)
Những mục tiêu dài hạn thường kéo dài trên 3 năm tới hàng chục năm như du học, mua nhà, chuẩn bị chi phí sinh hoạt khi về hưu, dựng vợ gả chồng cho con cái… Nền tảng của mục tiêu dài hạn là việc hoàn thành nghiêm túc các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn.
Mục tiêu dài hạn không thể hoàn thành chỉ bằng phương pháp tiết kiệm, cần tăng thu nhập, xây dựng khoản đầu tư, hướng tới có một khoản thu nhập ổn định và đều đặn trong dài hạn.
Ví dụ: Với mục tiêu chuẩn bị cho việc nghỉ hưu, mọi người thường lập kế hoạch trước 10 năm, thậm chí 20 năm hoặc sớm hơn. Thực hiện mục tiêu này không chỉ cần tiết kiệm, bạn cần tìm cách tạo ra nguồn thu nhập ổn định khi về hưu mà không cần xin việc làm. Nguồn thu nhập này cần đảm bảo liên tục để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Vì sao chúng ta cần có mục tiêu tài chính?
Đặt mục tiêu tài chính cũng như xác định đích đến cuối con đường vậy, nếu bạn không xác định rõ ràng, bạn dễ dàng đi lạc và mất nhiều thời gian hơn để đến nơi. Dưới đây là những nguyên nhân giải thích vì sao việc đặt mục tiêu tài chính là quan trọng.
Giúp bạn đi đúng hướng
Khi có mục tiêu tài chính, bạn biết rõ bạn cần gì và tập trung tìm cách để đi tới mục tiêu đó, không bị phân tâm. Việc xác định phương hướng ngay từ đầu giúp bạn đi đúng hướng, lên kế hoạch cụ thể cho từng bước đi của mình. Bạn biết cần phải làm gì, làm gì trước làm gì sau, sắp xếp thời gian và nguồn lực hiệu quả nhất.
Có mục tiêu cũng tạo động lực để bạn thực hiện nó, vượt qua khó khăn trên con đường chinh phục mục tiêu tài chính. Ví dụ, nếu bạn tiết kiệm mà không biết làm vậy để làm gì, việc tiết kiệm sẽ trở nên vô nghĩa, bạn sẽ sớm từ bỏ nó.
Giúp bạn xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý
Có được mục tiêu tài chính cụ thể trong tương lai, bạn sẽ biết được con đường phía trước cần những gì để tới được vạch đích đó. Điều cơ bản nhất để hiện thực hóa mục tiêu tài chính là xây dựng được kế hoạch chi tiêu hợp lý. Lúc này, bạn sẽ tính toán được rõ ràng các khoản thu chi định kỳ, tự động điều chỉnh thói quen chi tiêu của bản thân và để dành được 1 khoản cho các mục tiêu tài chính.
Chủ động về tài chính
Nếu bạn có mục tiêu tài chính là xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp, bạn sẽ đề phòng được những trường hợp đòi hỏi 1 khoản tiền lớn bất ngờ xảy ra như khám bệnh, hỏng hóc vật dụng thiết yếu,… Lúc này, bạn sẽ chủ động để đối mặt với những khó khăn có thể xảy đến trong tương lai.
Ví dụ: Chiếc nồi cơm điện của bạn bất ngờ bị hỏng, không thể sử dụng được nữa, bạn cần có khoản dự phòng để mua nồi mới. Hay bất ngờ bạn bị đau thắt lưng, bạn cần chi phí khám bệnh, trong đó chi phí chụp chiếu khá cao (hơn 3 triệu đồng).
Tự do tài chính
Mục tiêu tài chính lớn và quan trọng nhất với nhiều người là tự do tài chính. Đây là trạng thái đầy đủ về mặt tiền bạc và tài sản, giúp bạn thoải mái tận hưởng cuộc sống mà không vướng bận bất kỳ nỗi lo nào về tài chính. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này bạn cần trải qua một quá trình rèn luyện và tích lũy lâu dài.
Bạn cần bắt đầu từ những mục tiêu tài chính nhỏ như tiết kiệm tiền đi du lịch, trả hết tiền thuê nhà, mua chiếc điện thoại mới… Trong quá trình chinh phục các mục tiêu nhỏ này, bạn sẽ xây dựng được các mục tiêu lớn hơn, cuối cùng hướng tới đạt được tự do tài chính.
Thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân là việc quan trọng với mỗi người, đặc biệt với những ai nghiêm túc theo đuổi tự do tài chính. Nếu bạn chưa biết nên bắt đầu như thế nào, hãy bắt đầu từ những mục tiêu ngắn hạn và nghiêm túc thực hiện nó. Bạn sẽ dần tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm để hoàn thành những mục tiêu lớn hơn.