Tầm quan trọng của việc nắm rõ tình hình tài chính cá nhân
Sau khi đã thiết lập được những mục tiêu tài chính cụ thể, điều tiếp theo bạn cần làm là hiểu về tình hình tài chính cá nhân của bản thân. Đây là bước đệm quan trọng để bạn đưa ra các kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu đã đặt ra.
Vì sao phải nắm rõ tình hình tài chính cá nhân?
Như đã đề cập, nắm rõ tình hình tài chính cá nhân là nền tảng quan trọng để bạn lên kế hoạch cho tương lai. Cụ thể:
Đưa ra các mục tiêu, kế hoạch tài chính phù hợp
Dựa vào tình hình tài chính cá nhân, bạn có thể đưa ra con số tiết kiệm phù hợp, tránh vượt quá khả năng của mình. Bên cạnh đó, trong trường hợp bạn đề ra một mục tiêu dài hạn có phần hơi thử thách, bạn cũng có thể đưa ra những phương án thu chi hợp lý để đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ: Thu nhập 1 tháng của bạn dao động khoảng 7-8 triệu đồng, trong đó, bạn tiêu khoảng 6 triệu. Như vậy, bạn có thể đặt mục tiêu tiết kiệm tối đa 2 triệu đồng/tháng là hợp lý. Con số lớn hơn sẽ là không phù hợp. Tuy nhiên, nếu bạn đặt ra một mục tiêu dài hơn, ví dụ như đổi 1 chiếc điện thoại mới trong 1 năm. Bạn nhận thấy rằng nếu duy trì mức tiết kiệm này thì đây là điều không thể. Nhờ đó, bạn có lên một kế hoạch phát triển phù hợp, tìm cách nâng cao thu nhập của bản thân để đạt được mục tiêu đề ra.
Giúp bạn quản lý chi tiêu tốt hơn
Nắm rõ tình hình tài chính cá nhân, bạn sẽ biết cách phân chia các khoản chi tiêu phù hợp với mức thu nhập hiện có. Như vậy, bạn sẽ chi tiêu hợp lý hơn, không chi tiêu vượt mức quy định.
Ví dụ: Thu nhập 1 tháng của bạn là 7 triệu đồng, bạn sẽ cân đối các khoản chi tiêu tối đa 7 triệu đồng, không vượt quá số này.
Cách xác định tình hình tài chính cá nhân
Xác định được tình hình tài chính cá nhân là nền tảng quan trọng để xây dựng một kế hoạch tương lai vững chắc. Vậy làm thế nào để xác định tình hình tài chính cá nhân đầy đủ, chính xác nhất? Bạn có thể tham khảo một số cách đơn giản dưới đây.
Phân biệt tiền lương với thu nhập
Nhiều người vẫn cho rằng tiền lương và thu nhập giống nhau. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ 2 khoản tiền này. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động 1 – 2 lần mỗi tháng. Thu nhập là khoản tiền mà một người nhận được từ việc cung ứng sức lao động của mình hoặc cung cấp sản phẩm/dịch vụ, có thể bao gồm việc buôn bán, trúng thưởng, thừa kế…
Có thể nói, tiền lương là một phần thuộc thu nhập. Một người làm việc tự do như buôn bán, viết sách, đầu tư tài chính,… có thể không có tiền lương nhưng họ vẫn tạo ra thu nhập.
Ví dụ: Chị A là một nhân viên văn phòng, mỗi tháng nhận được tiền lương 8 triệu đồng. Ngoài thời gian làm ở công ty, chị A còn bán hàng online, mỗi tháng trung bình chị thu được lợi nhuận 10 triệu đồng. Như vậy, 8 triệu đồng là tiền lương, 18 triệu đồng (bao gồm tiền lương và lợi nhuận buôn bán) là thu nhập trong một tháng của chị A.
Xác định nguồn thu nhập của bản thân
Ở bước xác định nguồn thu nhập của bản thân, bạn cần thực hiện 2 việc như gồm: Xác định đâu là nguồn thu nhập và xác định tỷ lệ của từng nguồn thu nhập, cụ thể như sau:
Xác định đâu là nguồn thu nhập
Theo giải thích thu nhập ở trên, một người có thể tạo ra thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Một số nguồn thu nhập phổ biến như sau:
- Tiền lương hàng tháng từ công việc cố định
- Lợi nhuận từ việc kinh doanh buôn bán
- Tiền thưởng
- Lợi tức đầu tư cổ phiếu
- Tiền chênh lệch khi mua bán vàng
- Tiền lãi khi gửi tiết kiệm ngân hàng.
Xác định các nguồn thu nhập giúp bạn nắm rõ số tiền bạn có mỗi tháng, kết hợp với nhu cầu chi tiêu để lên kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý. Cũng từ đó, bạn lựa chọn được mục tiêu tài chính phù hợp, lên kế hoạch đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ: Một tháng bạn làm 3 công việc gồm công việc hành chính văn phòng, kinh doanh online và nhận việc thời vụ làm tại nhà. Tổng số tiền bạn kiếm được từ 3 công việc này chính là thu nhập 1 tháng của bạn.
Xác định tỷ lệ từng nguồn thu nhập
Sau khi xác định tổng thu nhập, bạn cần xác định tỷ lệ từng nguồn thu nhập trong tổng thu nhập hàng tháng. Vì có những nguồn thu nhập là không cố định nên bạn cần xác định tỷ lệ để cân đối chi tiêu hàng tháng.
Cụ thể, bạn cần xác định đâu là khoản thu nhập cố định để cân đối chi phí sinh hoạt hàng tháng phù hợp với số tiền này. Những khoản không cố định có thể phân chia vào mục hưởng thụ, từ thiện, tiết kiệm và đầu tư vì những khoản này có thể điều chỉnh thay đổi theo ngân sách bạn có.
Ví dụ: Tiếp tục với ví dụ 3 công việc ở trên. Giả sử, tiền lương của công việc văn phòng là 7 triệu đồng/tháng, lợi nhuận kinh doanh online là 5 triệu đồng và công việc thời vụ tại nhà là 3 triệu đồng. Trong các khoản thu nhập này, tiền lương có thể ổn định trong một khoảng thời gian, 2 khoản còn lại sẽ biến động từng tháng.
Tỷ lệ các khoản thu nhập từ công việc văn phòng, kinh doanh và thời vụ lần lượt là 46,67%, 33,33% và 20%. Khi đó bạn có thể quản lý chi tiêu theo quy tắc 50/30/20, quy tắc này sẽ có trong các bài tiếp theo.
Gia tăng và đa dạng hóa các nguồn thu nhập
Câu nói “Đừng bao giờ để tất cả trứng vào cùng một giỏ” không chỉ đúng khi đầu tư tài chính. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng vào việc quản lý chi tiêu và đặt mục tiêu tài chính cá nhân. Vậy đa dạng hóa thu nhập là gì? Tại sao cần đa dạng thu nhập? Thực hiện như thế nào?
Đa dạng hóa nguồn thu nhập là gì?
Đa dạng hóa các nguồn thu nhập đơn giản là việc có nhiều hơn một nguồn thu nhập. Đây là một cách thức hiệu quả giúp bạn có nguồn tài chính ổn định hơn.
Vì sao cần đa dạng hóa nguồn thu nhập?
Đa dạng hóa nguồn thu nhập giúp phòng tránh rủi ro về tài chính có thể xảy ra trong tương lai như mất việc, giảm lương… Nếu một nguồn thu nhập bị mất hoặc bị giảm, bạn vẫn có nguồn thu nhập khác cân đối thu chi cho sinh hoạt thiết yếu, tránh rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần.
Cách đa dạng hóa nguồn thu nhập
Phần lớn người đi làm tìm kiếm thêm công việc ngoài giờ để gia tăng thu nhập. Với thời đại công nghệ, internet kết nối mọi lúc mọi nơi như hiện nay, có rất nhiều cách để gia tăng và đa dạng hóa thu nhập. Một số người lựa chọn đầu tư, bán hàng online, kinh doanh nhỏ tại nhà, làm việc online,… Trong đó, đầu tư chứng khoán là một trong những hình thức phổ biến, được nhiều người thực hiện.
Khi lựa chọn đầu tư chứng khoán, bạn cần xác định rõ rằng rủi ro có thể xảy ra. Bạn cần chuẩn bị kiến thức để dẫn đi đúng hướng, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư. Bạn có thể tham khảo khóa học về Chứng khoán của VNSC Academy để bổ sung kiến thức về tài chính, chứng khoán và đầu tư..
Tuy nhiên, dù lựa chọn cách đa dạng hoá nào, bạn cũng cần trang bị đầy đủ kiến thức về lĩnh vực đó, xây dựng một kế hoạch chi tiết hướng tới những mục tiêu dài hạn. Ví dụ, nếu lựa chọn đầu tư chứng khoán để gia tăng thu nhập, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức về tài chính, kinh tế vĩ mô nói chung cũng như những chỉ báo cơ bản trong thị trường chứng khoán để lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng.
Trên đây là nội dung giải thích tại sao mỗi người cần nắm rõ tình hình tài chính cá nhân của mình và cách xác định tình hình tài chính cá nhân. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể xác định chính xác tình hình tài chính của mình và tìm cách gia tăng thu nhập phù hợp, sớm đạt được tự do tài chính.