Kiến thức quản lý tài chính cá nhân quan trọng như thế nào?
Tài chính cá nhân đóng vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người. Có nguồn tài chính cá nhân tốt sẽ giúp bạn phát triển bản thân và gia tăng thu nhập. Chỉ khi quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, bạn mới có thể nâng cao chất lượng sống và hướng tới tương lai chủ động, hạnh phúc hơn.
Những thói quen xấu ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân của bạn
Tình hình tài chính cá nhân của bạn có thể đang bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu. Hãy kiểm tra xem bạn có những thói quen này không nhé.
Mua sắm không kiểm soát
Nhiều người coi mua sắm như là một cách để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử ngày một phổ biến, việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn thì đây càng trở thành một vấn đề lớn. Bạn đã từng thức đêm săn sale tới 2 giờ sáng sau đó mua về toàn những đồ không cần thiết? Hay vì ham rẻ, mua quá nhiều đồ nhưng không dùng hết? Đây đều là hành vi chi tiêu thiếu kiểm soát.
Tiêu xài quá tay vì một phút vui vẻ có thể khiến bạn sống trong cảnh thiếu thốn nhiều ngày sau đó. Mua những món đồ vượt quá thu nhập của bản thân, chi tiêu nhiều tiền cho những thứ không quá cần thiết hay sa đà vào các cuộc chơi với bè bạn mà không có tính toán đều có thể khiến bạn nhanh chóng rỗng túi.
Làm bao nhiêu – tiêu bấy nhiêu
Đây là thói quen chi tiêu phổ biến của nhiều người trẻ hiện nay. Với quan điểm sống phóng khoáng, ưu tiên niềm vui hiện tại, nhiều người thường không có kế hoạch tài chính cụ thể mà thường tiêu sạch số tiền mình kiếm được, không trích ra bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của bạn, đặc biệt là khi những tình huống ngoài ý muốn xảy đến trong cuộc sống.
Lạm dụng thẻ tín dụng
Mua trước – trả sau, thẻ tín dụng đang là một phương thức thanh toán được nhiều người ưa thích. Đây cũng là cách giúp nhiều người có cơ hội sở hữu những món đồ đắt tiền bằng việc trả góp. Dù vậy, cũng có không ít người lạm dụng thẻ tín dụng để chi tiêu thiếu kiểm soát, vượt quá thu nhập của bản thân. Hậu quả là bạn có thể rơi vào nợ nần, điểm tín dụng bị đánh giá thấp dẫn tới tình hình tài chính cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không có kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hậu quả thế nào?
Các thói quen kể trên sẽ dẫn tới một số tình huống không mong muốn xảy ra trong cuộc sống. Dưới đây sẽ là những khó khăn có thể sẽ xảy đến nếu bạn không biết cách quản lý tài chính cá nhân.
Thiếu hụt chi tiêu hàng tháng
Cạn kiệt nguồn tiền vào mỗi cuối tháng là câu chuyện quen thuộc mà nhiều người gặp phải. Nếu không quản lý và phân bổ chi tiêu một cách cân đối, bạn sẽ không biết bản thân đã dùng tiền cho những gì, cụ thể ra sao. Bạn hoàn toàn thiếu kiểm soát đối với nguồn tiền của mình. Hậu quả là những lần hết tiền đột ngột khi lương còn chưa kịp về. Giật gấu vá vai, vay tiền để tiêu hay tằn tiện quá mức mỗi khi ngân sách bị thâm hụt quá mức đều không phải cách thức lâu dài. Giải pháp duy nhất chỉ là bạn cần quản lý chi tiêu khoa học hơn.
Không có sự đảm bảo cho tương lai
Bên cạnh những hậu quả trước mắt, thiếu hụt kiến thức quản lý tài chính cá nhân còn khiến tương lai bạn khó được bảo đảm. Không có một kế hoạch tài chính dài hơi sẽ khó lòng đảm bảo bạn có đủ nguồn tiền dự trữ cho các tình huống khẩn cấp.
Ví dụ, bạn đang đi làm với mức lương 10 triệu và mua sắm tùy thích, thừa thiếu không đáng kể. Trong tình huống mọi việc bình thường, có thể bạn sẽ cảm thấy cách chi tiêu của mình là phù hợp, mức lương mình có vừa đủ sống. Tuy nhiên, có sự cố bất ngờ xảy đến, chẳng hạn như gia đình bạn gặp khó khăn thì bạn sẽ khó mà có đủ tiền hỗ trợ. Hoặc trong thời kỳ suy thoái kinh tế, công ty của bạn cắt giảm nhân sự và bạn không may nằm trong danh sách này, bạn sẽ dùng nguồn tiền nào để ứng phó?
Vay nợ
Đây chắc chắn là vấn đề dễ gặp phải nếu bạn thường xuyên trong tình trạng không còn tiền mỗi cuối tháng. Việc vay nợ là tất yếu nếu có thời điểm bạn tiêu pha hơi quá tay, dẫn đến không còn tiền để chi tiêu sau này.
Tuy nhiên, nếu có một tháng bạn bị thâm hụt thì rất có thể tháng sau đó bạn cũng không kiểm soát được nguồn tiền mà tiếp tục chi tiêu mất kiểm soát. Vòng xoáy nợ nần cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. Bạn có thể sẽ phải vay tiền trong tháng sau để trả nợ tháng trước, thậm chí là để tiêu. Nếu tình trạng này tiếp tục lặp lại, số tiền vay của bạn sẽ ngày một lớn dần. Một con số không đáng kể lúc đầu có thể trở thành một gánh nặng. Từ đó, bạn cũng không thể làm chủ tài chính của bản thân nữa.
Ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý
Thiếu kiểm soát tài chính sẽ gây ra những áp lực vô hình đè nặng lên tâm trí bạn. Niềm vui lúc ban đầu khi được tiêu tiền thoải mái sẽ dần thay thế bằng sự lo lắng khi nhận ra bản thân đã bị cuốn vào vòng xoáy thiếu hụt chi tiêu, thậm chí là nợ nần. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sẽ thấy tự ti nếu so sánh mình với các bạn cùng lứa. Bạn A đã kết hôn và có một gia đình hạnh phúc, bạn B đã mua xe, bạn X đã xây nhà cho bố mẹ,… Những hình ảnh tích cực từ thế giới bên ngoài sẽ khiến sự thiếu thốn của bạn trở nên trầm trọng hơn. Điều này vô hình trung sẽ tạo thành áp lực, khiến bạn gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe tinh thần.
Tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân
Có thể thấy rằng, tài chính cá nhân có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Quản lý được tài chính cá nhân sẽ hạn chế được những rủi ro phát sinh và đem lại nhiều lợi ích đáng kể.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Quản lý tài chính tốt có thể giúp bạn có một cuộc sống tốt hơn. Với một kế hoạch phân bổ nguồn tiền phù hợp, bạn sẽ cân đối được các khoản thu chi, không phải đối mặt với nỗi lo hết tiền mỗi cuối tháng. Từ đó, bạn có thể mua được những thứ bạn muốn, chăm sóc cho bản thân nhiều hơn thay vì tiêu tiền cho những điều không thật sự cần thiết.
Hạn chế vay nợ
Chi tiêu hợp lý cũng đồng nghĩa rằng bạn sẽ không phải đối mặt với những khoản nợ lớn nhỏ hàng tháng. Những khoản nợ không phải lúc nào cũng xấu. Tuy nhiên, nếu vay tiền chỉ để thoả mãn những nhu cầu chi tiêu cơ bản, không tạo ra thêm giá trị gì thì đây chắc chắn là một khoản nợ không đáng có.
Phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro
Giảm thiểu rủi ro cũng là một trong những lợi ích quan trọng mà quản lý tài chính cá nhân có thể đem lại. Đề ra một kế hoạch chi tiêu phù hợp, bạn sẽ có khoản dự trù tương đối cho các sự cố xảy đến, ví dụ như tai nạn, bệnh tật,…
Ví dụ bạn bất ngờ mất việc trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hàng loạt. Nếu vẫn chi tiêu thiếu kiểm soát, rất có thể bạn sẽ phải vừa phải đối mặt với cảnh thất nghiệp, vừa phải chịu áp lực trả nợ. Tuy nhiên, nếu chi tiêu hợp lý và có khoản dự phòng, bạn hoàn toàn có thể coi đây là một lần nghỉ ngơi để từ từ tìm kiếm một cơ hội khác.
Theo đuổi dự định và nắm bắt cơ hội trong tương lai
Ngoài những lợi ích có thể thấy ngay lập tức, quản lý tài chính cá nhân cũng giúp bạn nắm bắt tốt hơn những cơ hội trong tương lai. Bạn có thể dành dụm tiền để chuẩn bị cho những dự định cá nhân như học thêm một kỹ năng mới, đi du lịch, đầu tư,…
Đặc biệt, những cơ hội tiềm năng để đầu tư và phát triển thường không chờ bạn chuẩn bị rồi mới tới. Vì thế, bạn luôn cần trong trạng thái sẵn sàng để nắm bắt. Ví dụ, khi chứng khoán bước vào chu kỳ tăng giá, nếu có dòng tiền ổn định để đầu tư thì cơ hội gia tăng tài sản lên gấp nhiều lần là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ thời điểm này, bạn sẽ phải chờ rất lâu để có một cơ hội như vậy nữa.
Gia tăng tài sản và tiến đến tự do tài chính
Khi nắm bắt được những cơ hội và có kế hoạch cụ thể cho tương lai, tài sản của bạn có thể gia tăng một cách nhanh chóng. Từ khoản tiền nhỏ tích lũy ban đầu, nếu có được phương thức đầu tư và phát triển hợp lý, bạn có thể sở hữu 200 triệu, 500 triệu hay thậm chí là nhiều hơn chỉ trong một vài năm. Bạn sẽ dần không cần phải lo lắng về chuyện tiền bạc nữa bởi nguồn tài sản được tạo ra bởi nguồn thu nhập thụ động có thể giúp bạn chi trả cho mọi nhu cầu cơ bản. Từ đó, bạn cũng sẽ tiến gần tới trạng thái tự do tài chính hơn.
Nhìn chung kiến thức quản lý tài chính cá nhân sẽ hạn chế được nhiều vấn đề phát sinh không đáng có trong cuộc sống và đem lại cho bạn nhiều lợi ích. Vậy làm thế nào để quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả? Hãy theo dõi trong bài tiếp theo của khóa học Quản lý tài chính cá nhân trên VNSC Academy bạn nhé!